Nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước đầu tiên ở Nhật Bản.
Trong chính sách năng lượng quốc gia được thông qua năm 2014, Chính phủ của Thủ tướng S.A-bê cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái sinh. Tuy nhiên, điện hạt nhân vẫn được coi là nguồn năng lượng then chốt do tầm quan trọng của nguồn cung điện năng ổn định cho tăng trưởng kinh tế. Vừa qua, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) ước tính chi phí sản xuất điện hạt nhân là 10,3 yên/kW giờ vào năm 2030, rẻ hơn so các nguồn năng lượng khác, như: nhiệt điện từ than đá, khí đốt tự nhiên, phong điện và năng lượng mặt trời. Con số này cao hơn so mức 8,9 yên/kW giờ vào năm 2011, vì chi phí dỡ bỏ nhà máy và tiền bồi thường sau sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 do động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011 lên tới 9.100 tỷ yên so mức 5.800 tỷ yên ước tính năm 2011. Các biện pháp an toàn cần có để điều hành một lò phản ứng sẽ tiêu tốn khoảng 60,1 tỷ yên. Trong khi đó, ước tính chi phí sản xuất 1kW giờ điện từ các nguồn khác là: than đá: 12,9 yên; khí tự nhiên hóa lỏng: 13,4 yên; năng lượng mặt trời: 16,4 yên; điện địa nhiệt: 16,8 yên; thủy điện: 27,1 yên; phong điện: 34,7 yên.
METI đề xuất nâng tỷ trọng các nguồn cung điện cơ bản (gồm: điện hạt nhân, nhiệt điện từ than đá, thủy điện và điện địa nhiệt) lên 60% vào năm 2030, so mức 40% hiện nay. Trước thảm họa năm 2011, điện hạt nhân đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng điện của Nhật Bản. Trong tài khóa 2013, nhiệt điện chiếm 30%, thủy điện và điện địa nhiệt chiếm 9%, trong khi điện hạt nhân chỉ chiếm 1% tổng sản lượng điện, do các lò phản ứng hạt nhân đều ngừng hoạt động vì những lo ngại về an toàn. Nếu muốn nâng tỷ trọng các nguồn cung điện này lên mức 60%, trong khi không muốn tăng mạnh tỷ trọng của nhiệt điện do những quan ngại về ô nhiễm môi trường, còn thủy điện và điện địa nhiệt cần chi phí và tốn một thời gian dài để lắp đặt, thì điện hạt nhân phải chiếm tỷ trọng ít nhất là 20%. METI cũng nghiêng về sử dụng năng lượng hạt nhân như một giải pháp cắt giảm CO2 và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, để thực hiện cam kết quốc tế của Tô-ki-ô về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện tại, tất cả 48 lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản vẫn ngừng hoạt động chờ trải qua quá trình giám sát tính an toàn của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) với các quy định nghiêm ngặt hơn. Bốn lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động vĩnh viễn và một lò khác bị cấm hoạt động do không đạt tiêu chuẩn an toàn mới. Để nâng tỷ trọng nguồn cung từ điện hạt nhân lên mức 20% thì phần lớn trong số 43 lò phản ứng còn lại phải được tái khởi động. Giới doanh nghiệp Nhật Bản vẫn luôn thúc giục khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, do đồng yên yếu đang đẩy giá nhiên liệu nhập khẩu lên mức quá cao, dẫn tới giá điện tăng. Tuy nhiên, việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân vẫn rất khó khăn do sự phản đối của người dân và chính quyền các địa phương. Gần đây, tòa án tỉnh Phư-cư-i đã bác bỏ việc tái khởi động hai lò phản ứng của Công ty KEPCO vận hành ở tỉnh này, mặc dù các lò này đã được NRA đồng ý cho khởi động lại sau nhiều lần kiểm tra về mức độ an toàn.
Trong đề xuất của METI, các nguồn cung từ năng lượng tái tạo như mặt trời và phong điện sẽ được tăng gấp đôi, lên mức từ 22% đến 24%. Vừa qua, hai nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước đầu tiên đã chính thức được khai trương tại tỉnh Hi-ô-gô, miền trung Nhật Bản, với tổng công suất 2,9 MW, tổng sản lượng điện hằng năm ước đạt 3.300 MW giờ, cung cấp đủ điện năng sinh hoạt cho khoảng 920 hộ gia đình. Giữa lúc Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn về bài toán năng lượng, các dự án sử dụng năng lượng tái sinh là những điểm sáng thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.
Từ đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản phát động chiến dịch tiết kiệm năng lượng trong mùa hè hằng năm mang tên Cool Biz, yêu cầu các văn phòng không được để điều hòa dưới 28 độ C, đồng thời kêu gọi các nhân viên văn phòng mặc những loại quần áo bình thường, trong khi các nhân viên chính phủ được phép mặc các loại áo phông ngắn tay để tránh phải sử dụng điều hòa.
Tác giả: Tô Minh / Nhân Dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét