Phát triển sạch là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch đang ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng đối với sự nghiệp phát triển bền vững và là một nội dung trọng tâm trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang tích cực triển khai.

Phát triển sạch là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương

Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhiên liệu hóa thạch và tăng phát thải khí nhà kính là hai vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt. Xin ông cho biết, cách tiếp cận của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đối với các vấn đề này như thế nào?

Phát triển bền vững là một quan điểm chủ đạo trong đường lối và chính sách phát triển dài hạn của Việt Nam. Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, với nhiệm vụ chiến lược là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức của năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1-1,5% và giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng 10-20% so với phương án phát triển bình thường.

 
Các chất khí nhà kính phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng tác động lên sự nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân thúc đẩy việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng ngoài nhiên liệu hóa thạch trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã đặt ra nhiệm vụ chiến lược là đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Theo đó, cần xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách tài chính, công nghệ nhằm hỗ trợ nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp để khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo trong và ngoài lưới điện quốc gia, phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, hình thành ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị và cung cấp dịch vụ trong nước.

Thưa ông, kể từ khi Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012 đến nay, các nhiệm vụ chiến lược này đã được cụ thể hóa thành chính sách như thế nào?
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2014, việc xây dựng và thực hiện chính sách ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch được xếp vào mức ưu tiên cao.

Hoạt động này bao gồm việc xây dựng các chính sách đầu tư, thuế, giá và các công cụ kinh tế thị trường để khuyến khích khai thác sử dụng khí thiên nhiên; ban hành và giám sát thực hiện các chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các dạng năng lượng mới như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt, sinh khối, xăng sinh học…; hỗ trợ đầu tư để hình thành ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị và cung cấp dịch vụ trong nước về năng lượng mới.

Cũng theo kế hoạch hành động này, Nhà nước ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng mới và đổi mới công nghệ, cụ thể là hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điển hình sử dụng năng lượng mới và tái tạo, hỗ trợ mua bằng phát minh, sáng chế, bí quyết kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông thiết bị…

Một câu hỏi lớn thường đặt ra với các nước đang phát triển với nguồn tài chính hạn hẹp là liệu tăng trưởng xanh có phải chỉ là một hoài bão xuất phát từ quan điểm môi trường và đạo đức, nhưng khó lòng đạt được trước nhưng nhu cầu kinh tế cạnh tranh nhau. Vậy theo quan điểm của ông, vấn đề này cần giải quyết như thế nào, cụ thể là trong lĩnh vực đầu tư cho năng lượng tái tạo và năng lượng mới?

Đầu tư nhiều hơn vì lợi ích phát triển bền vững hay đầu tư ít hơn vì lý do cân đối tài chính ngắn hạn là một lựa chọn không dễ dàng. Theo chủ trương chung, Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững nguồn năng lượng quốc gia, khai thác tiềm năng to lớn của đất nước về phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao tỷ trọng các nguồn năng lượng carbon thấp trong cung ứng điện, cần có sự tích cực tham gia của các nguồn lực tư nhân theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Với các quy định pháp lý đã ban hành, nhất là các quy định về PPP và mô hình hỗ trợ tài chính sẵn có mà nhiều tập đoàn lớn trên thế giới về năng lượng và công nghệ đang áp dụng tại nhiều nước đang phát triển, tôi tin rằng, chúng ta có thể tìm ra những giải pháp thông minh phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và toàn xã hội.

Share on Google Plus

Admin: Gia Hưng

Homepage: http://nguyenduclinh.com
Facebook: http://facebook.com/nd.linh0207
SkypeID: nd.linh0207 .
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét