Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các ngành, đoàn thể trong việc trợ vốn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thời gian gần đây phong trào nông dân sản xuất giỏi ở tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh. Qua đó, xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, có nhiều mô hình sáng kiến, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ khác sản xuất đạt hiệu quả cao.
1. Trong phong trào trồng cây thanh long thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang thì mô hình “kiểu mẫu” nhất phải kể đến mô hình hộ ông Võ Ngọc Diệp, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo. Đây là mô hình đầu tiên của địa phương trong sản xuất trái thanh long theo hướng an toàn, chất lượng và áp dụng công nghệ “sạch”, hiệu quả cao phục vụ thị trường xuất khẩu.
Vườn thanh long ở xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang (Ảnh: Báo Ấp Bắc)
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn, gia đình ông lên liếp trồng khoảng 8.000 m2 cây thanh long cho leo trên xi măng. Hiện cây đã cho thu hoạch từ 4-7 năm. Để cho cây đạt năng suất, chất lượng cao, ông Diệp đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ phân bón đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Gần đây, ông Võ Ngọc Diệp còn đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời của Australia cho vườn thanh long; đồng thời ứng dụng thí điểm hệ thống đèn tiết kiệm điện để xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ cho năng suất và giá cao. Mô hình này giúp ông tiết kiệm được nước tưới, ngày công, tiền điện… bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng. Mỗi năm vườn thanh long này cho 3 đợt trái, mỗi vụ thu hoạch được bình quân đạt 30 tấn. Nếu tính giá trên 10.000 đồng/kg thì mỗi năm gia đình của ông có thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Về mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Diệp chia sẻ: “Trái cây làm theo VietGAP có lợi ích rất cao. Trong 7 mặt hàng trái cây chủ lực của Tiền Giang, tôi thấy áp dụng an toàn - VietGAP cho cây thanh long là hiệu quả nhất. Về thực hiện tôi thấy không có gì khó, mình ghi chép sổ sách, sản xuất bài bản”.
Hiện tại, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú, Lương Hòa Lạc do ông phụ trách với gần 30 thành viên. Qua hướng dẫn của ông các thành viên trong tổ đã áp dụng quy trình kỹ thuật Việt Gap vào sản xuất đạt hiệu quả.
2. Cũng ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo có nông dân Võ Văn Chung mà nhiều người dân vùng ĐBSCL biết đến với mệnh danh “Vua lúa giống”. Thời gian qua, ông đã sản xuất thành công với nhiều mô hình VAC; trong đó việc nhân 7 hạt lúa giống của trường Đại học Cần Thơ ra thành hàng chục tấn lúa giống phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân vùng ĐBSCL vào những năm 1977 - 1978 đã trở thành huyền thoại.
Hiện nay, ông là chủ trang trại nuôi 200 con heo giống, trồng 3 ha vườn gồm: mận An phước, bưởi da xanh, dừa và nhiều ao cá... Ngoài ra, ông còn sản xuất 1 ha giống lúa chất lượng cao. Tính mỗi năm, ông Võ Văn Chung sản xuất được gần 30 tấn lúa giống, hàng chục tấn trái cây các loại và hàng nghìn con heo giống, nguồn lãi thu được từ mô hình sản xuất này hơn 500 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Chung cho biết: nhờ áp dụng đúng các tiến bộ kỹ thuật, sáng tạo trong sản xuất nên các mô hình VAC đều đạt hiệu quả. Đặc biệt, các chuồng trại chăn nuôi của gia đình đều xây dựng theo mô hình khép kín, tự động hóa, thân thiện với môi trường. Hiện nay, tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng lão nông Võ Văn Chung vẫn nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất ra giống lúa, giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ cho ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Võ Văn Chung nói: “Về giống thì làm đúng giống theo Bộ nông nghiệp –Phát triển nông thôn hay Phòng Nông nghiệp chỉ đạo thì ta nên làm. Nông dân đừng chạy theo kinh tế, nghe cái nào cao giá, bán nhiều tiền thì làm, đó là thất bại. Bởi vì đó nhà khoa học chưa đưa ra”.
3. Còn tại xã An Hữu huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có nông dân “ kỹ sư” Lê Phước Lộc. Gọi ông là "kỹ sư" vì ông là tác giả sáng chế ra nhiều nông cụ phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Ông Lộc cho biết, thời điểm sau năm 1975, nhận thấy nông dân thu hoạch lúa chủ yếu bằng phương pháp thủ công vừa hao tổn sức lực, trong khi năng suất lại thấp, thời gian thu hoạch kéo dài. Từ đó, ông nghiên cứu và cho ra đời chiếc máy tuốt lúa đầu tiên ở huyện Cái Bè. Chiếc máy do ông sáng chế được đông đảo người dân đón nhận và đánh giá cao bởi những tính năng ưu việt của nó.
Năm 2003, ông mở cơ sở cơ khí Phước Lộc tại huyện Cái Bè - chuyên sản xuất cửa sắt, dụng cụ cơ khí các loại. Từ đó, ông có điều kiện để biến những ý tưởng thành hiện thực và thực hiện nhiều giải pháp, sáng chế như: kéo cắt tỉa đa năng, péc phun nước, cần bao trái… Trong đó, sản phẩm kéo cắt tỉa đa năng được sáng chế phục vụ cắt tỉa cành và thu hoạch trái cây. Điểm nổi bật của kéo cắt tỉa này là có thể sử dụng để cắt tỉa cành; đồng thời, vừa cắt, vừa kẹp chặt trái, giúp trái còn tươi nguyên, đầy phấn và dính lá xanh nên rất được nhà vườn ưa chuộng.
Sản phẩm kéo cắt tỉa đa năng của ông Lộc đạt giải B hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang; giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ IV do Hội Nông nông Việt Nam tổ chức và đạt giải dành cho “Nhà sáng chế” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức...
Trong số các sản phẩm do ông sáng chế thời gian qua, có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp gồm: Kéo cắt tỉa, Péc phun (vòi phun) và Cần bao trái. Riêng với sản phẩm “Kéo tỉa đa năng” mỗi năm ông Lê Phước Lộc sản xuất trên 15.000 sản phẩm, phục vụ khắp các thị trường trong nước.
Mỗi năm, tỉnh Tiền Giang có hàng nghìn nông dân được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi rất đáng biểu dương. Họ dám nghĩ, dám làm, cần cù lao động, biết áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, vừa tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội vừa làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Tác giả: Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét